[tintuc]THANH NGA: NGƯỜI NGHỆ SĨ TÀI HOA CỦA XỨ SÔNG VÀM NÚI ĐIỆN

Nói về những tên tuổi nổi danh chống Pháp hay chống Mỹ để giành lại độc lập tự do cho đồng bào, thì xứ “núi Điện sông Vàm” có rất nhiều tên tuổi đáng được ghi danh vào lịch sử cận đại như : Ngài Phạm Công Tắc giáo chủ Đạo Cao Đài, Trung Tướng Trịnh Minh Thế , Ông Lớn Trà Vong, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn …., nhưng những người nổi tiếng về lãnh vực nghệ thuật thì rất khiêm nhường. Tuy nhiên, nếu đã có nghệ nhân nào thành danh về phương diện này, thì sự nổi tiếng càng vượt trội nổi bật hẵn lên như vì sao Bắc Đẩu trên bầu trời. Cố nghệ sĩ Thanh Nga người con gái đất Tây Ninh là một trong những ngôi sao sáng đó của bộ môn Cải lương trong nền văn học nước nhà.

Sơ lược tiểu sử.

Cố nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sanh ngày 31 tháng 7 năm 1942.
Nơi sinh: Tây Ninh
Nguyên quán: Tây Ninh
Cha: Nguyễn Văn Lợi
Mẹ: Nguyễn Thị Thơ (bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời)
Tôn giáo: Phật giáo (pháp danh: Diệu Minh)
Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), lần sau với ông Phạm Duy Lân (luật sư) hay còn gọi là Đổng Lân. Thanh Nga có 1 con trai (với ông Lân) là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch).
Gia đình Thanh Nga còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như:
Năm Nghĩa (cha dượng) Bảo Quốc (em cùng mẹ khác cha) Hữu Châu (con của nghệ sĩ Hữu Thìn, anh ruột của Thanh Nga)
Thanh Nga bị ám sát cùng chồng ngày 26 tháng 11 năm 1978 tại Sài Gòn, được an táng tại nghĩa trang chùa. (1)
Con Đường Nghệ Thuật
Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ lúc 10 tuổi, phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga – làm bầu gánh.
Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu khi mới 12 tuổi qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn Di Hận, Lửa Hờn; rồi vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi là Sơn Nữ Phà Ca trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới.
Nỗ lực dìu dắt tận tình tiếp theo của những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim cúc, Cô Ba Thanh Loan…giúp Thanh Nga – với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẩy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt – đã mãi gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu qua những vai như Xuân Tự trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Giáng Hương trong Sân Khấu Về Khuya, Diệp Thúy trong Đôi Mắt Người Xưa, Uyên trong Ngã Rẽ Tâm Tình, Trinh trong Con Gái Chị Hằng, Mía trong Bọt Biển…
Thanh Nga cũng từng đóng vai chánh với các nam danh ca nổi tiếng lúc bấy giờ như Út Trà Ôn, Việt Hùng, Dũng Thanh Lâm, Thành Được, Hữu phước…

Trong vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới và Sơn Nữ Phà Ca của sọan giả Kiên Giang Thanh Nga đã làm cho khán thính giả xúc động theo mối tình ngang trái của giữa nàng Phà Ca và chàng Kiểu Mộng Long – con của Sứ Quân Kiểu Thuận ở đất Sơn Tây. Chính lối ca diễn xuất sắc trong vai này, với nét hồng nhan và đạo đức cá nhân đã giúp Thanh Nga đoạt huy chương vàng đầu tiên của Giải Thanh Tâm, khi ở tuổi 16. Và cũng ở lứa tuổi này là một cái mốc đã đưa Thanh Nga trở nên siêu sao trong nền sân khấu cải lương nước nhà.
Một số khán thính giả và những soạn giả thời đó đã nhận xét về chất giọng và cung cách trình diễn của Thanh Nga hầu hết cho rằng: “Thanh Nga là một nghệ sĩ mà sắc đẹp, tài năng và tánh tình thật là dễ thương, dễ mến, nên Thanh Nga đã để lại trong lòng khán giả và các bạn bè nghệ sĩ thật nhiều nổi thương cảm mà ai ai cũng muốn nhắc Thanh Nga để mà nhớ, để mà thương.Với giọng ngân nga buồn ray rức thiết tha, đượm nét chơn chất bình dị lẫn vẻ lộng lẫy kiêu sa của Thanh Nga trong bản Hồi Chuông Thiên Mụ của sọan giả Viễn Châu đã làm cho khán thính giả bị lụy tình.”
Ký giả kịch trường HB, người đã từng viết về đời sống sinh họat của các nghệ sĩ trước năm 1975 với các tạp chí văn nghệ ở Sàigòn hiện nay cư ngụ tại Mỹ quốc nhận xét:
“Khi Thanh Nga còn sinh tiền, có lẽ khó có ai ca diễn hay hơn nữ nghệ sĩ tài danh nhưng hồng nhan bạc mệnh ấy qua vai người phụ nữ trong cảnh đời ngang trái, trớ trêu; trong xã hội đầy dẫy bất công, thiếu tình người và sẵn sàng khai thác, vùi dập những cô gái lỡ mang kiếp đọan trường, bất hạnh.
Chẳng hạn như trong tuồng Bọt Biển của sọan giả Nguyễn Phương, cách nay khoảng 4 thập niên, nghệ sĩ Thanh Nga đã diễn xuất sắc khi nhập vai cô Mía trong nghịch cảnh đau thương là chứng kiến mối tình đầu thơ mộng thiết tha bị tan vỡ vì bị chính cha ruột nhẫn tâm bán rẽ cuộc đời trong trắng của con gái mình cho ngọai nhân. Trong tuồng Sông Dài của Hà Triều, Hoa Phượng và Nguyễn Phương, Thanh Nga đã thể hiện độc đáo vai cô gái mù, bạc phước tên Lượm thoạt đầu bị mẹ bỏ rơi. Giọng ca diễn buồn thống thiết cùng cách thể hiện mối tình chung thủy vô biên của nghệ sĩ tài danh này lại càng làm cho người xem cảm kích.”

Những cuộc tình

Trên một trăm năm trước đại thi hào Nguyễn Du không biết vô tình hay cố ý đã dùng những câu thơ có tính tiên đoán vận mệnh của con người và nhất là những người phụ nữ có tài sắc để mở đầu cho trường thiên truyện “ Kim Vân Kiều” của ông.
“ Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Hoặc những đọan sau kế tiếp của truyện có câu: “ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”.
Mặc dầu, đây chỉ là một thuyết “ Tài mệnh Tương Đố” của một số triết gia thời cổ của Trung Hoa được thi hào Nguyễn Du triển khai lại rộng hơn , nhưng chưa hẵn có tính thuyết phục vì nó chỉ là “ lý thuyết” mà thôi và không có tính tuyệt đối. Lại nữa, thuyết có tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Theo như thuyết này thì hễ người phụ nữ nào có tài và nhan sắc đều bị chi phối bởi luật thuyết thật là trớ trêu. Việc tin thuyết này hay không tùy theo quan điểm mỗi người. Nhưng bình diện kinh nghiệm cho thấy nhiều phụ nữ có nhan sắc sau khi suy gẫm lại cuộc đời họ đều công nhận sự bất công nào đó của thượng đế dành cho họ. Nên đa số phụ nữ đương nhiên xem sự việc ấy là một sự mặc cả của tạo hóa đối với họ và sự chấp nhận của họ như là mộtø sự hiển nhiên.
Thanh Nga là một phụ nữ tài sắc nên không khỏi rơi vào vòng lẫn quẩn ấy và bị chi phối bởi quan niệm “ Hồng Nhan Đa Truân” và “ Hồng Nhan Bạc Mệnh”.
Ngoài những mối tình lúc tuổi thiếu thời khi còn để chởm cùng với các bạn trang lứa cùng làng quê Thái Hiệp Thạnh , với những buổi hẹn hò chia tay hồn nhiên, viết cho nhau những lá thư còn nhòe mực hay cùng nhau trèo hái những trái xoài đầu mùa ngon chua thật tính quê hương…
Tình yêu đôi lứa đã đến sớm với Thanh Nga, sau khi đọat giải Thanh Tâm lúc tuổi 16 , Thanh Nga được mệnh danh là “ Nữ Hoàng Sân Khấu” thì con đường tình yêu cũng song hành tiến mạnh cùng sự nghiệp nghệ thuật. Bên cạnh những mối tình đầu của Thanh Nga được nhà văn Ngành Mai kể lại trong tác phẩm “ Cuộc Đời của Thanh Nga” đó là cậu thanh niên Đài Loan thật bảnh trai, nhưng rồi cuộc tình cũng chẳng thành duyên . Sự chia tay nhau trong những nổi nhớ nhung da diết của cô gái trăng tròn với chàng hiệp sĩ xứ Đoài rồi cũng êm xuôi qua năm tháng. Tưởng chừng như tình yêu đã ngụp tắt sau chuyện tình đầu ngăn cách, nhưng không, tình yêu và nhiều cuộc tình nữa đã đến liên tiếp với Thanh Nga như là một vòng xoay của định mệnh

Theo lời đồn sau khi cùng mẹ là bầu Thơ giám đốc Đoàn Cải Lương Thanh Minh Thanh Nga đi lưu diễn trên nhiều miền của đất nước , vào thời điểm tuổi của Thanh Nga vừa đúng đôi mươi, nhan sắc lại mặn mà thêm cộng với nét hương thơ của làn tóc nên nhiều khách tao nhân để ý và muốn được cùng cô se tơ kết tóc, trong số những gã si tình có một chàng nhạc sĩ tên HA rất lãng mạn, nhạc ông viết phần lớn làm nền cho những tuồng tình cảm cho Đoàn Thanh Minh Thanh Nga . Đôi khi là nhạc phim cho những phim li kỳ về tình cảm có Thanh Nga diễn . Nhưng không biết chàng nhạc sĩ này có được lời phúc đáp thân hậu của “ Nữ Hoàng Sân Khấu “ hay không ? Chứ còn nhạc của chàng thì có quá nhiều bài than thân trách phận như kiểu yêu một chiều. Phải công nhận nhạc của chàng rất hay, rất trử tình . Có một lần trên một show trình diễn người điều hợp chương trình có phỏng vấn người nhạc sĩ này về tình cảm của ông với Thanh Nga , ông chỉ cười với một nụ cười thật kín đáo.
Cũng theo dư luận chuyện kép Hữu Phước có dạo cạo trọc đầu vì bởi Thanh Nga quá bến sang kép điển trai Thành Được và sau đó lại xa nhau trong một ẩn khúc khác. Sau cuộc chia xa với ông vua chơi xế Việt Nam . Thanh Nga trong chiếc áo cưới bước lên xe hoa chính thức cùng người chồng là Đại Úy Nguyễn Minh Mẫn một sĩ quan ngành Tiếp Liệu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tiệc cưới long trọng tại nhà hàng, có báo chí tới dự rất đông, có nghệ sĩ và các giới… Rượu champagne nổ giòn tan, cuộc vui tưởng lâu bền nhưng chưa được bao lâu đã vội lắng xuống, vì Đại úy Mẫn phải ra tòa, bị bắt giam vì tội dính líu với tiền nong, công quỹ. Bà phải sống những ngày đoạn trường và đối mặt với dư luận. Những rắc rối không đâu cứ ùa đến, có cả việc vu oan, tố cáo. Từ chỗ tưởng như ngã quỵ, bà đã đứng lên với một người bên cạnh là luật sư Phạm Duy Lân mà người Sàigòn thời đó thường gọi là Đổng Lân. (2)

Một nhà báo từng quen biết ông Lân, tác giả bài Nữ nghệ sĩ Thanh Nga: một kiếp hồng nhan gian truân đã viết: “Tôi gặp Thanh Nga và anh Lân thường khi, lúc họ dọn về ở cư xá Đô Thành đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, quận 3). Hai người đi chiếc Honda. Vóc dáng anh Lân to lớn dềnh dàng, cao đến 1m80. Khi lái xe gặp nhau dọc đường, anh Lân hoặc chị Nga thường vẫy tay chào tôi. Có khi, tôi gặp họ chở kịch sĩ Tường Vi (đã quá cố), chắc là đi quay phim, hoặc có lúc chở Vân Hùng… Một điều tôi nhận xét, những năm ấy Thanh Nga tươi vui hẳn ra, có lẽ cô đã được “tự do” sau khi rời chiếc lồng son sân khấu và có hạnh phúc”. Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu vào 1974. Đó cũng “là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng. Vào chặng này, hoạt động điện ảnh của Thanh Nga rộn rịp và trở thành gương mặt tài tử thu hút khán giả cạnh các tên tuổi kỳ cựu khác như Kiều Chinh hoặc Thẩm Thúy Hằng”.

Thế là, “cô đào thương nhạy khóc” thời nào lần lần “tái sinh” trên màn ảnh, qua nhiều phim của các đạo diễn Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa… Thanh Nga chuyển từ điệu buồn qua nét vui trong các phim hài thường dựng để chiếu trong các ngày Tết Nguyên Đán. Thanh Nga có mặt cạnh hề râu Thanh Việt trong Triệu phú bất đắc dĩ hoặc Năm vua hề về làng, Quái nữ Việt quyền đạo với nhiều danh hài: Thanh Hoài, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Xuân Phát… Bạn bè của gia đình Thanh Nga nhận xét, thời kỳ này, có thể gọi là hạnh phúc nhất của Thanh Nga: tiền tài, danh vọng, mái ấm gia đình… đều có đầy đủ. Nhưng nhiều duyên do đã khiến một “tài tử Thanh Nga” rời phim trường, để ngược về nơi mà Thanh Nga đã rơi nhiều nước mắt: sân khấu! Cải lương và khán giả! Sân khấu là nơi Thanh Nga đón nhận nhiều tiếng vỗ tay với hàng trăm vở diễn như Sắc đẹp nàng vô tội (của Nguyễn Liêu), Mưa rừng (của Hà Triều – Hoa Phượng), Gió ngược chiều (Nguyễn Thanh Châu)… Nhưng ở sân khấu, Thanh Nga luôn bị mất tự do vì không được quyền sống đời sống riêng. Hằng ngày, Thanh Nga phải tiếp nhiều danh gia các giới, tướng tá Sài Gòn, công kỹ nghệ gia, chính trị gia và cả “ngài đại sứ” hâm mộ thanh sắc. Sáng ra là tập dượt, tối lại diễn, chiều muốn chợp mắt một chút là con trai chủ hãng đĩa Asia tới thăm, giám đốc hãng kem Chà Và tới gặp, tặng hoa, tán tỉnh, chuyện vãn…

Thời giờ sống “thật” của Thanh Nga có lẽ nhiều nhất là… trên sân khấu. Thanh Nga có tên là Juliette. Juliette Nga với “một mái tóc đen dài và thẳng tắp mang đầy vẻ thùy mị e ấp của người con gái Việt Nam” như cố nghệ sĩ Ngọc Lan nhận xét, và tiếp: “Khi thủ vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, Thanh Nga đang ở tột đỉnh danh vọng. Nhan sắc ở lứa tuổi ba mươi như cô là nhan sắc của người đàn bà mang đầy tự tin. Tôi không còn thấy mặt Thanh Nga đượm buồn như ngày trước nữa”. Nghệ sĩ Bạch Tuyết nêu tương tự qua cuốn Cải lương chi bảo vừa in tháng 4/2004. Và ghi nhận thêm về đoạn Trưng Trắc tế chồng, diễn ở rạp Hưng Đạo: “Hàng ghế khán giả đa số là sinh viên nước mắt ròng ròng. Tôi cũng khóc… Lệ của người đàn bà thay chồng giữ nước trong tình huống ngặt nghèo này đã uất hận chảy ngược về tim”.

Hồng Nhan Bạc Mệnh

Thanh Nga là một nghệ sĩ mà sắc đẹp, tài năng và tánh tình thật là dễ thương, dễ mến, nhưng số phận thì thật là bi thảm, nên Thanh Nga đã để lại trong lòng khán giả và các bạn bè nghệ sĩ thật nhiều nổi thương cảm mà ai ai cũng muốn nhắc Thanh Nga để mà nhớ, để mà thương nên định mệnh không muốn Thanh Nga sống thêm tới ngày già nua mà qua đời ở tuổi mãn khai nhan sắc. Hình ảnh Thanh Nga ghi dấu mãi mãi ký ức mọi người: một Thanh Nga không có vết nhăn thời gian trên mặt và để lại cho đời những giá trị nghệ thuật đích thực.
Với hơn 230 vở diễn trong 28 năm, kể từ khi lên 8 (1950) đến lúc qua đời nghiệt ngã ở tuổi 36 (1978), Thanh Nga cống hiến cho khán giả biết bao phút vui buồn, ngây ngất.
Cái chết thương tâm
Khoảng 23h đêm 26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng -nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, bây giờ – nữ nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt do chồng bà cầm lái để về nhà. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với con trai Cúc Cu, 5 tuổi. Ở ghế trước, cạnh tài xế có võ sư Nguyễn Văn Các, làm vệ sĩ bảo vệ Thanh Nga.

Ngay khi xe dừng trước cổng nhà (trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1), vệ sĩ Các bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc Honda trờ tới, hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn P38 khống chế anh vào trong xe. Chúng tiếp tục uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu. Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng liên tiếp nã đạn bắn chết cả hai rồi vọt mất. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của Thanh Nga ở tuổi 36, khiến hàng nghìn khán giả Sài Gòn, giới nghệ sĩ cải lương rơi nước mắt, khóc thương cho một tài hoa của làng vọng cổ thành phố. (3)
Sau khi Thanh Nga và chồng ông Phạm Duy Lân chết nhiều nguồn tin dồn lan trong dân gian . Có nguồn tin cho rằng cái chết của nữ Nghệ sĩ Thanh Nga là do bà Bảy vợ nhỏ của Lê Duẫn Tổng Bí Thư Cộng Sản Việt Nam thanh toán vì ghen tương, vì tên Lê Duẫn thấy nhan sắc của Thanh Nga ông ta muốn mượn quyền thế để chiếm đọat, nhiều lần ông ta cho mời Thanh Nga đến trình diện ông ta mỗi khi ông vào công tác trong Nam, có nhiều lần ông đề nghị thẳng với “ Nữ Hoàng Sân Khấu” về việc ông muốn Thanh Nga trở thành vợ lẽ của ông, nhưng Thanh Nga không đồng ý với những đề nghị có tính vô đạo lý này. Và cứ hễ vào Nam là ông ta tìm cách tiếp cận với Thanh Nga , nên bà Bảy ( không biết là vợ thứ mấy của ông) hiện đang phụ trách cơ quan báo chí ở thành phố Sàigòn nghe được sự lén phén này của ông đã cho người thanh toán Thanh Nga và chồng.
Nguồn tin khác thì cho rằng cái chết của vợ chồng Thanh Nga là do tình báo Trung Cộng sát hại, vì Thanh Nga đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga, trong vỡ diễn đã làm nhục nhã bọn quan Tàu .
Về nguồn tin phía Công an Cộng Sản Việt Nam cho rằng cái chết của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là việc bắt cóc tống tiền kẻ thủ mưu tên là Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức . Cũng theo lời của Công an Cộng Sản Việt Nam là hai tên này chủ yếu nhắm vào nghệ sĩ Bảo Quốc nhưng sau thấy Bảo Quốc nhiều con, không giàu có nên thay đổi. Trước đó, chúng đã nhiều lần định ra tay bắt cóc con trai Thanh Nga nhưng do đông người nên không thực hiện được. Tên Đức, sau khi cùng Tân và gây ra vụ sát hại vợ chồng Thanh Nga đã lên đường vượt biên ra nước ngoài nhưng bị phát giác.Vụ án khép lại, Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức sau đó đều bị tòa án thành phố tuyên mức tử hình.
Vô Số người mến mộ Thanh Nga
Sự ra đi vĩnh viễn và đột ngột của nghệ sĩ Thanh Nga ở tuổi 36 khiến giới mến mộ cải lương – và nhiều giới khác nữa – sẽ mãi tiếc thương Nữ Hoàng Sân Khấu tài sắc vẹn toàn đó.
Đã có vô số người mến mộ – tại Saigòn và các tỉnh – về thắp hương tiễn biệt hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Soạn giả Nguyễn Phương – một soạn giả cổ nhạc hàng đầu của Việt Nam, từng cộng tác liên tiếp 14 năm với đoàn Thanh Minh-Thanh Nga – trình bày về nỗi tiếc thương của đông đảo giới mộ điệu.
Tại Saigon, có ai chết mà đám ma, đầu dòng người đi đưa tới Ngã Ba quẹo qua Asam, cái đuôi còn ở đường Hiền Vương; mà nguyên đường lộ bít đầy người ta chứ không phải hàng năm, hàng sáu. Như vậy cũng đủ tưởng tượng được người ta đối với Thanh Nga làm sao rồi. Cái số đó nếu nói hàng chục ngàn vẫn còn ít”
Làm sao giới mến mộ cải lương có thể quên được hằng trăm tuồng mà nghệ sĩ Thanh Nga đã tham gia ngay vào lúc 8 tuổi với vai Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa. Rồi những vai chính nổi bật sau đó – thường là các vai đong đầy nước mắt trong nghịch cảnh ngang trái trớ trêu của một kiếp hồng nhân bạc mệnh – như Sơn Nữ Phà Ca trong Người Vợ Không Bao Giờ Cưới,
Cô Mía trong Bọt Biển, cô gái mù bạc phước tên Lượm trong Sông Dài, Xuân Tự trong Áo Cưới Trước Cổng Chùa…
Nghệ sĩ Thanh Nga tỏ ra có thiên khiếu nhập vai xuất sắc. Được biết soạn giả chỉ cần giải thích về vai trong tuồng, về nội dung, tâm lý nhân vật, thì Thanh Nga nhanh chóng ca diễn chính xác bất kỳ vai nào được trao cho, từ vai bà Hoàng cho tới cô gái quê bị đời vùi dập, như hoàn cảnh bắt buộc của cô The mà Thanh Nga đóng trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn của Hà Triều, Hoa Phượng.
Nghệ sĩ Bích Thuận, có đôi lời tưởng nhớ và ca ngợi cố nghệ sĩ Thanh Nga:
Cô nói: “Dễ thương lắm, Thanh Nga dễ thương lắm. Thanh Nga có vẻ đẹp hiền thục, quý phái, cao kỳ một chút. Dễ thương là vì Thanh Nga đóng một cặp với Bích Sơn – Bích Sơn là cháu của tôi. Rồi khi Thanh Nga chết thì Bích Sơn thế các vai đó mà. Thanh Nga dễ thương lắm. Mỗi tuồng hay một vẻ.
Thế nhưng có tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, Thanh Nga chết đi thì Bích Sơn thế. Tuồng đó là tuồng mới. Thanh Nga đóng hay lắm. Nghệ sĩ, mỗi vai một hay, tùy cảm quan của khán giả. Người thì thích Thanh Nga đóng vai này, người thì thích đóng vai kia”.
Một khán giả từng say mê các vở tuồng có Thanh Nga diễn xuất này xin bày tỏ lòng trân quý đối với cố nghệ sĩ Thanh Nga – mà anh xem như đang ngự trên Thánh Đường sân khấu.
Ông nói: “ Bây giờ ở Việt Nam mình, người ta tôn trọng Thanh Nga như là Tổ vậy đó. Bởi vì Thanh Nga chu toàn lắm: ca, hát, nhịp nhàng…cái gì cũng hay hết. Nhất là lúc đang nổi tiếng thì chết bất đắc kỳ tử nên tiếng tăm vẫn còn nguyên. Nên nghệ sĩ rất tôn trọng Thanh Nga”.
Không phải chỉ có giới ngoài sân khấu ngưỡng mộ Thanh Nga, báo chí trong nước đưa tin rất nhiều đồng nghiệp của Thanh Nga, như nữ nghệ sĩ kỳ cựu Bạch Tuyết, không khỏi bùi ngùi, than rằng “…ánh mắt vời vợi, thăm thẳm như vừa mất hút lại vừa chói rực sau vừng sáng của đèn, của âm thanh…Đã mấy mươi năm rồi, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn ánh mắt ấy”.
Mặc dù tôi không phải sinh hoạt cùng giới với cô Thanh Nga. Tôi ở trong giới nhạc trẻ, tân nhạc, nhưng tôi rất khâm phục tài nghệ của cô. Tôi có coi qua một số tuồng cải lương có Thanh Nga đóng, dĩ nhiên tôi phải nói là cô ấy đóng rất xuất sắc – vừa đẹp lại vừa có tài. Cô mất đi là sự đáng tiếc cho ngành cải lương Việt Nam.
Nhạc sĩ Trường Kỳ: Theo soạn giả Nguyễn Phương, thì chính cá tính dịu hiền từ tốn, hơn là tài năng thiên phú của Thanh Nga đã khiến nhiều soạn giả hàng đầu giúp đưa tên tuổi Thanh Nga lên đỉnh cao danh vọng:
Ông nói: “Tôi nhớ rõ là 27 soạn giả cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga cho tới về sau này, 27 soạn giả nổi danh, chưa có người nào than phiền Thanh Nga diễn tuồng họ không đúng, hay diễn tuồng sai. Những diễn khác thì co bị than phiền, nhưng Thanh Nga thì chưa có soạn giả nào nói.
Bây giờ Thanh Nga mất quá lâu rồi, tôi qua đây (Canada) cũng mười mấy năm rồi, không phải tôi nói vậy để cho vui lòng gia đình Thanh Nga. Nhưng mà nói cho đúng, chưa có soạn giả nào than phiền Thanh Nga diễn hư tuồng của mình, hay diễn sai tâm lý nhân vật của mình. Chưa có.
Năm Châu, Duy Lân, Tư Trang, Tư Chơi, Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phương, Thiếu Linh, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Thu An, Quy Sắc, Nguyễn Ang Ca, Viễn Châu…chưa có người nào nói Thanh Nga diễn không đúng ý của tuồng mình”.

Rồi, sau khi thành công rực rỡ qua vai diễn đầu tiên trong phim nhựa Đôi Mắt Người Xưa hồi đầu thập niên 60, Thanh Nga đã trở thành một trong những minh tinh màn bạc xuất sắc ở Miền Nam trước năm 1975, nổi bật như các minh tinh Thẩm Thúy Hàng, Kiều Chinh, qua những phim như Mùa Thu Cuối Cùng, Bụi Phấn Hồng, Thương Muộn, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang…
Và, xem chừng như tương phản với những vai buồn trên sân khấu cải lương, nữ minh tinh Thanh Nga trên màn bạc đã thu hút khán giả ciné qua những vai vui trong các phim hài, bên cạnh những danh hài như hề râu Thanh Việt, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Xuân Phát, Thanh Hoài… Nhân dịp này, nhạc sĩ Trường Kỳ từ Canada cho biết cảm nghĩ của ông về cố nghệ sĩ Thanh Nga:
Ông nói: “Mặc dù tôi không phải sinh hoạt cùng giới với cô Thanh Nga. Tôi ở trong giới nhạc trẻ, tân nhạc, nhưng tôi rất khâm phục tài nghệ của cô. Tôi có coi qua một số tuồng cải lương có Thanh Nga đóng, dĩ nhiên tôi phải nói là cô ấy đóng rất xuất sắc – vừa đẹp lại vừa có tài. Cố mất đi là sự đáng tiếc cho ngành cải lương Việt Nam”.
Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ tài danh ấy tiếp tục nhận những tràng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt qua những tuồng như Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bên Cầu Dệt Lụa.
Vừa rồi là đoạn kết trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu, qua đó, tiểu thơ Quỳnh Nga – do Thanh Nga thủ diễn – đã đoàn tụ với tân trạng nguyên Trần Minh, từng được biết dưới tên Trần Minh Khố Chuối, do Thanh Sang đóng. (5)

Tóm lại Nghệ sĩ Thanh Nga không những là người con tài hoa của xứ Sông Vàm Núi Điện , mà còn là người con ưu tú của đất nước Việt Nam . Thanh Nga mất đi để lại cho nền văn hóa nước nhà một kho tàng nghệ thuật vĩ đại , đặc biệt là bộ môn cải lương và điện ảnh . Nhân kỷ niệm ngày sinh của cố nghệ sĩ Thanh Nga, chúng tôi là khán giả hâm mộ vừa là người đồng hương xin thắp nén hương lòng để tưởng kính đến nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn Thanh Nga.

DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Tài liệu tham khảo:
(1) 2005 Radio Free Asia
(2) Theo Báo Thanh Niên
(3) Thanh Nga Một Thời Để Nhớ (TT)
(4) Phát Súng Gỡ Rối Cuộn Chỉ TN ( NH)(5) Mối Tình Đầu ( tác giả Ngành Mai)

Gọi ngay để được tư vấn và đặt vé trực tuyến nhanh chóng, chuyên nghiệp:

Phòng Vé Cáp Treo Núi Bà Đen

Hotline: ☎ 0945.80.5757 – 03.9850.9850
Email: booking@vecaptreonuibaden.com

Đánh giá bài viết này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THEO DÕI ĐỂ NHẬN THÔNG TIN NHANH HƠN

close-link

ƯU ĐÃI GIẢM GIÁ

COMBO BUFFET TỪ 800K NAY CHỈ CÒN 700K
Ưu Đãi Hết Hạn trong:
Mã giảm giá ĐÃ ĐƯỢC ÁP DỤNG TỰ ĐỘNG và giảm giá tới 100K!
close-link
0